Thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa
Sáng 16/6/2022, với 95,78% số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa nhằm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 09-NQ/TW với 03 mục tiêu chính:
Thứ nhất, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh, giúp Khánh Hòa phát triển bứt phá, tạo động lực mới, tạo cực tăng trưởng mới;
Thứ hai, thúc đẩy tác động lan tỏa tích cực của Vùng, bên cạnh việc phát triển tỉnh Khánh Hòa, chính sách còn mang tính lan tỏa, hỗ trợ các địa phương khác trong Vùng phát triển;
Thứ ba, kết quả thí điểm chính sách làm cơ sở để tổng kết, đánh giá, xem xét xây dựng cơ chế, chính sách chung cho cả nước.
Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành có một số nội dung nổi bật như:
Về cơ chế hỗ trợ có mục tiêu cho tỉnh Khánh Hòa
Nghị quyết quy định ngân sách Trung ương hỗ trợ mục tiêu cho tỉnh Khánh Hòa không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương hằng năm trên địa bàn tỉnh và phải đảm bảo 02 điều kiện “không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước” và “ngân sách Trung ương không hụt thu Việc quy định như trên để đảm bảo tính tương quan giữa các tỉnh, thành phố lớn khác, không ảnh hưởng đến khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và vẫn đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương trong quá trình điều tiết kinh tế vĩ mô, đồng thời, tránh việc dự toán không sát thực tế.
Quy định này sẽ khuyến khích địa phương phấn đấu tăng thu ngân sách hàng năm, có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối, phát huy được vị trí của địa phương là trung tâm vùng, đầu mối giao thông quan trọng, thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa theo Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra và thực sự trở thành động lực phát triển của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu phát triển Khánh Hòa theo Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhu cầu vốn là rất lớn để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại.
Tuy nhiên, với nguồn lực còn hạn chế của địa phương hiện nay sẽ không đáp ứng nhu cầu vốn lớn nêu trên nên cần có cơ chế, chính sách huy động từ các nguồn lực khác. Do vậy, Nghị quyết cho phép nâng hạn mức dư nợ vay của tỉnh từ 30% lên 60%, mỗi năm Khánh Hòa sẽ có thể vay thêm hơn 5 ngàn tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển hệ thông kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội quan trọng của tỉnh.
Về cơ chế phân cấp quản lý quy hoạch
Quá trình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị trong thời gian tới sẽ giúp Khánh Hòa có bước phát triển đột phá về hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng đô thị, hạ tầng xây dựng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…
Quy hoạch cục bộ chung đô thị, quy hoạch cục bộ chung khu chức năng là một quy hoạch cấp dưới của quy hoạch tỉnh và có nhu cầu điều chỉnh để dáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Để chủ động và rút ngắn thời gian thì việc phân cấp thẩm quyền cho UBND tỉnh Khánh Hòa tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện sẽ góp phần thúc đẩy sớm thu hút dự án đầu tư phát triển hạ tầng trọng điểm của tỉnh và đám bảo có cơ chế giám sát hậu kiểm.
Về cơ chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa
Nghị quyết quy định thí điểm cơ chế phân cấp về quản lý đất đai, quy hoạch theo nguyên tắc phân cấp một cấp, đảm bảo sự chủ động cho địa phương và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, thời gian chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất, đất lúa thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ so với quy định hiện hành và có cơ chế giám sát.
Theo Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội, Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 có diện tích đất trồng lúa là 21.483ha, giảm 3.424 ha so với năm 2020.
Do đó, tùy theo quy mô của từng dự án phù hợp với quy hoạch được duyệt, Tỉnh sẽ thực hiện quy trình, thủ tục theo đúng quy định, đúng thẩm quyền được giao.
Về quy định chuẩn bị thu hồi đất tại Khu Kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm
Luật Đất đai hiện đang trong quá trình rà soát, sửa đổi trong khi việc ban hành Nghị quyết nhằm sớm thể chế hóa chủ trương Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhất là định hướng phát triển Khu kinh tể Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ, Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế, góp phần đưa Khánh Hoà sớm trở thành thanh phố trực thuộc Trung ương…
Trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư (Điều 29 đến Điều 36) và thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai (Điều 69) cơ bản thực hiện theo 06 bước chính như sau:
- Chấp thuận chủ trương đầu tư;
- Lựa chọn nhà đầu tư;
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất (trong đó: Ban hành Thông báo thu hồi đất và Điều tra, khảo sát đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất);
- Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
- Quyết định thu hồi đất, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
- Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Chính sách thí điểm cho phép thực hiện trước Bước điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất được thực hiện song song với bước Chấp thuận chủ trương đầu tư và bước Lựa chọn nhà đầu tư và trước bước Ban hành Thông báo thu hồi đất theo trình tự, thủ tục hiện hành.
Trình tự, thủ tục sau khi đã lựa chọn được nhà đầu tư, ra thông báo thu hồi đất được tiếp tục thực hiện theo quy định của Điều 69 Luật Đất đai. Việc quản lý đất đai vẫn được thực hiện đúng theo quy định pháp luật hiện hành.
Căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành danh mục các dự án được tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đát, tài sản gắn liền với đất.
Phạm vi áp dụng chính sách này chỉ áp dụng đối với các dự án thuộc đối tượng nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai, gồm dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị, khu dân cư nông thôn mới; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung sử dụng vốn ngoài ngân sách, thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai và có quy mô từ 300 ha trở lên tại Khu Kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm theo danh mục dự án được Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành để thực hiện đúng định hướng của Bộ Chính trị nêu tại Nghị quyết số 09-NQ/TW.
Việc thực hiện chính sách này không ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân vì việc khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất trước khi có Thông báo thu hồi đất không phát sinh hệ quả cưỡng chế, người dân vẫn thực hiện quyền của mình theo Điều 49 Luật Đất đai.
Đồng thời việc thí điểm chính sách có ý nghĩa thực tiễn vì rút ngắn thời gian thực hiện khoảng 6-12 tháng so với quy định tùy theo quy mô dự án, đồng thời cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tránh tình trạng quy hoạch treo, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Về cơ chế phát triển Khu kinh tế Vân Phong
Tại Nghị quyết 09-NQ/TW, định hướng của Bộ Chính trị về phát triển khu vực Bắc Vân Phong, huyện Vạn Ninh trở thành khu đô thị du lịch biển đảo cao cấp; Thị xã Ninh Hòa trở thành đô thị công nghiệp gắn với việc phát triển các dịch vụ logistic, cảng biển kết nối thẳng với tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột tại thị xã Ninh Hòa.
Hiện nay, các quy định của pháp luật hiện hành về ưu đãi đối với các khu kinh tế chưa tạo được sức bật để thu hút các nhà đầu tư và các ngành nghề ưu tiên đầu tư, phù hợp với đặc thù của KKT Vân Phong, vì vậy, chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra của Nghị quyết số 09-NỌ/TW và chưa thúc đẩy Vân Phong trở thành một trong những khu vực tạo động lực vượt trội cho phát triển kinh tế của Khánh Hoà.
Các quy định về ngành nghề và quy mô vốn đối với dự án ưu tiên thu hút đầu tư tại KKT Vân Phong được dựa trên các quy định tại Điều 20 Luật Đầu tư, danh mục các ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ và yêu cầu năng lực thực tiễn thực hiện các dự án đầu tư của nhà đầu tư chiến lược tại các lĩnh vực khác. Việc xác định các dự án ưu tiên thu hút đầu tư sẽ giúp KKT Vân Phong phát triển một cách tập trung, phù hợp với định hướng của Nghị quyết 09-NQ/TW đề ra.
Về các ưu đãi để khuyến khích phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa.
Các nội dung chính sách thực hiện ưu đãi miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển và thuế thu nhập doanh nghiệp của dự án nuôi trồng thuỷ sản trên biển của tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư trong nước có hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên biển; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đã được đánh giá cụ thể tại Báo cáo đánh giá tác động chinh sách và phù hợp với tình hỉnh thực tế, tính khả thi của chính sách.
Các chính sách này sẽ khuyến khích tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư trong nước thực hiện nuôi trồng thủy sản xa bờ, góp phần vươn khơi, bám biẻn, bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.
Về Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa
Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ gắn phát triển kinh tế – xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển, đảo quốc gia, trong đó có “Tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ dân sự, du lịch biển, đảo, phát triển ngư nghiệp để xây dựng huyện đảo Trưởng Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước…”.
Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa là Quỹ Quốc gia thuộc loại hình quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được Chính phủ thành lập và giao cho UBND tỉnh Khánh Hòa trực tiếp quản lý. Phạm vi đối tượng được hỗ trợ của Quỹ là phát triển nghề cá, đầu tư cho các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác phòng chống thiên tai, phục vụ dân sinh tại huyện Trường Sa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Xem thêm: Chính sách mới về đất đai và thị trường bất động sản tại Việt Nam