Sai lầm phổ biến khi chơi chứng khoán là gì (P1)
“Kinh nghiệm chỉ đơn giản là cách mà ta gọi sai lầm của mình.” – Oscar Wilde
Không có sai lầm sẽ chẳng có kinh nghiệm. Trước khi bước chân vào lĩnh vực đầu tư chứng khoán tôi từng nghĩ việc kiếm tiền thời nay thật dễ dàng. Chỉ cần ngồi trước màn hình máy tính hoặc chỉ với chiếc smartphone trên tay và ngồi nhà là người ta đã có thể kiếm được một số tiền kha khá tùy vào số vốn mình bỏ ra. Nghe có vẻ hấp dẫn nhưng hóa ra lại không hề dễ dàng. số lần thua lỗ đến giờ tôi không thể nhớ nổi nữa. Tuy nhiên, từ những sai lầm này và bài học cực kỳ đắt giá đã mang lại cho tôi không ít kinh nghiệm.
Tôi nhớ mình đã từng đọc qua đâu đó câu nói thế này: “Nếu bạn không học hỏi được gì từ những sai lầm của mình, thật uổng phí khi bạn phạm phải sai lầm đó”. Giờ đây tôi không dám nói mình đánh đâu thắng đó nhưng tôi có đủ tự tin để khẳng định rằng mình đã không còn đầu tư một cách ngu ngốc như lúc ban đầu. Từ những trải nghiệm của bản thân, hôm nay tôi xin chia sẻ một số sai lầm mà các nhà đầu tư thường gặp phải khi bước vào thị trường.
Thiếu kiến thức chuyên môn
Công nghệ thông tin phát triển với tốc độ chóng mặt khiến cho việc đầu tư chứng khoán trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Ngày càng nhiều người tìm đến chứng khoán với hi vọng làm giàu nhanh chóng. Tại các trường đại học ngành tài chính cũng đang dần hot trở lại trong những năm gần đây. Tuy nhiên có một sự thật rằng đa số những người bước vào sân chơi đầu tư này lại đến từ các ngành nghề khác nhau và không hề có sự trang bị kiến thức một cách bài bản về lĩnh vực này.
Với người mới thì kinh nghiệm chỉ là con số 0, vậy nên nếu bạn không muốn chưa đi đã ngã, việc đầu tiên và duy nhất bạn có thể làm là xây dựng cho mình một nền tảng kiến thức tài chính, kiến thức về chứng khoán một cách vững chắc nhất.
Không nghiên cứu thị trường trước khi đầu tư
Chỉ kiến thức thôi thì chưa đủ. Để áp dụng những lý thuyết trên giấy vào đầu tư thực tế lại là câu chuyện khác. Vì vậy việc tìm hiểu, nghiên cứu thị trường trước khi đầu tư là hết sức quan trọng, đặc biệt đối với một thị trường đầy biến động như thị trường chứng khoán thì mọi rủi ro đều có thể đến với nhà đầu tư bất cứ lúc nào.
Dĩ nhiên nếu bạn muốn dựa vào phán đoán, cảm giác, giác quan thứ 6… để đầu tư chứng khoán chắc có lẽ sẽ có 1 vài lần “trúng thưởng”. Nhưng nếu bạn đầu tư một cách cầu may thì đừng quên rằng may mắn sẽ không ở bên ta mãi, bởi vậy thiên hạ mới có câu “cờ bạc đãi tay mới”.
Hãy nhớ rằng trước khi đầu tư vào thị trường chứng khoán thì một trong những việc cần làm là dành thời gian để đọc, nghiên cứu và phân tích các bản báo cáo tài chính của doanh nghiệp, nắm bắt tin kinh tế vĩ mô nếu muốn đầu tư dài hạn. Còn nếu bạn muốn làm một trader thì tất nhiên phải học về phân tích kỹ thuật, xem tín hiệu của thị trường để tìm kiếm các cơ hội đầu tư sinh lời tiềm năng nhất.
Xem thêm: Hướng dẫn mở tài khoản chứng khoán tại Việt Nam
Không học hỏi, tham khảo kinh nghiệm từ chuyên gia và người đi trước
Tony Gaskins từng nói: “Người khôn học từ sai lầm của người khác, kẻ ngu xuẩn mới muốn tự phạm sai lầm”. Phải khẳng định một điều đó là không ai thành công mà chưa từng nếm trái đắng của sai lầm và thất bại cùng những bài học đắt giá. Càng ít sai lầm thì con đường dẫn đến thành công sẽ càng ngắn hơn và cách duy nhất để giảm thiểu sai lầm của bản thân chính là học từ sai lầm của người khác.
Chuyên gia chứng khoán chính là những người có kinh nghiệm thực chiến, luôn bám sát mọi biến động của thị trường và là những người cho bạn những định hướng đúng đắn về thị trường. Người Việt Nam ta đã có câu “Không thầy đố mày làm nên”. Thị trường chứng khoán cũng không ngoại lệ, nếu bạn thiếu 1 người thầy giỏi, thì bạn rất dễ bị thị trường thao túng dẫn đến những sai lầm đáng tiếc.
Cương quyết giữ lại cổ phiếu chịu lỗ với tâm lý “sau cơn mưa trời lại sáng”
Khi thực hiện giao dịch, bạn phải nhớ một nguyên tắc quan trọng đó là phải xác định điểm cắt lỗ (ở một mức mà bạn có thể chấp nhận được để đảm bảo bạn không bị đá bay khỏi thị trường). Tuân theo nguyên tắc này sẽ giúp bạn vượt qua thời điểm khó khăn để tiếp tục đầu tư với số vốn còn lại.
Tuy nhiên đa số nhà đầu tư chứng khoán mới lại không làm vậy, họ không muốn chịu lỗ nên quyết không cắt lỗ mà giữ lại cổ phiếu chịu lỗ, họ chờ đợi và hy vọng cho đến khi số lỗ này càng lớn cho đến khi không còn giá trị nữa. Tình trạng giảm giá cổ phiếu tạm thời xuất hiện ở rất nhiều công ty, thế nhưng cũng không có ít công ty thua lỗ đến mức phá sản.
Tư duy không cắt lỗ, chờ đợi tăng giá sẽ khiến cho bạn rơi vào trạng thái thụ động trong việc ra quyết định và rơi vào bẫy tài chính. Nhà đầu tư nên tự đặt ra những nguyên tắc cắt lỗ – chốt lời trong đầu tư và nghiêm túc thực hiện theo các quy định đã đề ra.
Tâm lý bắt đáy
Các nhà đầu tư mới thường tham gia với tâm lý bắt đáy cùng một niềm tin rằng sẽ kiếm được một khoản lợi nhuận lớn khi thị trường tăng giá trở lại. Nhưng nếu không may giá cổ phiếu tiếp tục xuống dốc sẽ khiến nhà đầu tư gặp phải thất bại rồi rơi vào trạng thái bị động bị buộc phải bán tháo hoặc ôm cổ phiếu để đợi thị trường tăng giá lại. Bởi vậy, thay vì mạo hiểm, lời khuyên cho các nhà đầu tư là đừng cố gắng tham gia bắt đáy khi mà bạn chưa xác định được cổ phiếu đã tiếp đáy hay chưa.
Trước những biến động lớn về giá, hãy bình tĩnh xem xét, phân tích thị trường để đưa ra các quyết định đầu tư sáng suốt và có cơ sở chứ đừng vội lao đầu vào. Hãy nhớ rằng những chiếc bẫy do thị trường giăng ra ở khắp mọi nơi, nếu tham lam và hấp tấp vội vã, bạn sẽ ngay lập tức rơi vào đó.
Mất niềm tin vào những cổ phiếu giá cao
Nhiều nhà đầu tư F0 hay có tư tưởng chọn mua lượng lớn cổ phiếu giá thấp thay vì mua cổ phiếu giá cao với số lượng ít hơn. Lý do được đưa ra nhiều nhất là vì họ nghĩ rằng những cổ phiếu giá cao sẽ không thể tăng giá nữa. Tuy nhiên, cổ phiếu giá rẻ phản ánh doanh nghiệp hoạt động kém cỏi hoặc đang gặp phải vấn đề. Tiền nào của nấy, cổ phiếu tốt sẽ không bao giờ được bán với giá rẻ bởi vì giá cổ phiếu phản ánh năng lực kinh doanh của công ty.
Vì vậy, để tránh khỏi tâm lý bị tác động từ ham muốn chốt lời, hay mong muốn lời nhiều nhà đầu tư cần nghiên cứu và xây dựng cho mình một danh mục đầu tư với những công ty tốt và có tiềm năng phát triển.
Trên đây là một số sai lầm mà các nhà đầu tư chứng khoán thường mắc phải. Hi vọng với những trải nghiệm thực tế và chia sẻ này có thể giúp các bạn có những quyết định đúng đắn trên sự nghiệp của mình.
Chúc các bạn thành công!