Tác động kép Covid-19 và thỏa thuận cắt giảm sản lượng thất bại khiến giá dầu thô sụp đổ?

83 / 100

Vì sao giá dầu thô sụp đổ thời gian gần đây? Giá dầu còn giảm đến đâu? Đây là thời điểm bạn nên đứng ngoài, bắt đáy hay tiếp tục bán khống các hợp đồng CFD?

Phiên giao dịch ngày thứ sáu (6/3/2020) chứng kiến mức suy giảm mạnh nhất kể từ năm 2014 của giá dầu thô, chỉ trong 1 ngày giá dầu WTI đã giảm 9,71% xuống còn 41,51 USD/thùng, mức đáy kể từ tháng 8/2016; giá dầu Brent giảm 9,02% xuống còn 45,51 USD/thùng, mức đáy kể từ tháng 6/2017.

giá dầu thô sụp đổ

Giá dầu sụp đổ do thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ thất bại

Giá dầu giảm mạnh do tại cuộc họp của OPEC và các nước đồng minh (OPEC+) được tổ chức tại Vienna vào ngày thứ Sáu, các bên đã không đạt được thỏa thuận nào về việc nâng hạn mức cắt giảm sản lượng dầu thô. Tệ hơn nữa, mức cắt giảm hiện tại kéo dài đến cuối tháng 3/2020 vẫn chưa chắc chắn là sẽ được gia hạn thêm.

Trước đó, OPEC đề xuất cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến cuối năm nay.

“Chúng tôi đưa ra quyết định này bởi 24 quốc gia không tìm đạt được sự thống nhất đối với thỏa thuận giảm sản lượng. Do đó, bắt đầu từ ngày 1/4, chúng tôi bắt đầu khai thác dầu thô mà không cần quan tâm đến hạn mức là bao nhiêu”, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết.

Tác động ngày càng khó lường của dịch Covid-19

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu có thể không phải là lý do duy nhất khiến giá dầu lao dốc, cuộc họp của các nước OPEC+ diễn ra trong bối cảnh sự lây lan liên tục của coronavirus ở các nước ngoài Trung Quốc khiến khu vực sản xuất, vận tải và xuất khẩu bị đình trệ nghiêm trọng, đến lượt nó làm giảm nhu cầu về dầu và điều này khó có thể thay đổi trong những tháng tới.

giá dầu thô sụp đổ

[Giá dầu WTI lao dốc hơn 9%, mức suy giảm mạnh nhất kể từ năm 2014 và rơi xuống đáy kể từ tháng 8/2016] – Ảnh: Tradingview

Dữ liệu mới nhất của Trung Quốc trong tháng 1 cho thấy hoạt động kinh tế sụt giảm khi các doanh nghiệp và nhà máy đóng cửa, tình trạng bất ổn kinh tế đang lan rộng trên phạm vi toàn thế giới. Kinh tế thế giới đang tiến gần đến bờ vực suy thoái.

Một loạt các ngân hàng trung ương (trong đó có Mỹ) đã cắt giảm lãi suất trong tuần qua hoặc đang xem xét cắt giảm trước hoặc tại các cuộc họp chính sách tiếp theo của họ trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, nhưng nỗi sợ hãi đang lây lan tỷ lệ thuận với tốc độ lây lan của coronavirus, thị trường tài chính toàn cầu đang phớt lờ các nỗ lực bơm thanh khoản và tiếp tục giảm điểm.

Động thái cắt giảm lãi suất của FED như một tín hiệu chỉ báo cho diễn biến xấu trong nội tại của nền kinh tế Mỹ. Giờ đây Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Úc và cả các nền kinh tế mới nổi đều đang phải oằn mình lên để vừa chống dịch, vừa cải thiện tăng trưởng.

Trên góc độ phân tích kỹ thuật, giá dầu vẫn đang trong đà giảm khi mà hệ thống Directional cho thấy 2 đường DI đang mở rộng với –DI nằm ở trên và chỉ báo ADX đang hướng lên vùng 40. Nếu giá dầu tiếp tục suy yếu, vùng hỗ trợ tiếp theo sẽ là vùng đáy của năm 2016 và nó đang ở rất xa (vùng giá 25 – 30).

Giá dầu thô sụp đổ

[Chỉ báo ADX trên đồ thị ngày của giá dầu đang hướng lên dự báo xu hướng giảm sẽ còn tiếp tục] – Ảnh: Tradingview

Trên đồ thị tuần, thị trường giá xuống dường như chỉ vừa mới hình thành khi mà chỉ báo ADX bắt đầu hướng lên mạnh mẽ từ phía dưới 2 đường DI và đường –DI đang nằm trên.

Với sự xác nhận xu hướng cả trên cả biểu đồ tuần và biểu đồ ngày, giá dầu giai đoạn sắp tới có lẽ sẽ diễn biến xấu hơn nữa, giống như tương lai của kinh tế toàn cầu trong những tháng sắp tới.

Thị trường con gấu đang hiển hiện và các trader yêu thích giao dịch hàng hóa không nên bắt đáy trong giai đoạn đầy phức tạp này.

giá dầu thô sụp đổ

[Chỉ báo ADX trên đồ thị tuần của giá dầu WTI đang hướng lên mạnh mẽ từ dưới 2 đường DI báo hiệu xu hướng giảm sẽ còn tiếp tục] – Ảnh: Tradingview

Kết luận

Thông tin xấu từ cuộc họp của OPEC+ có thể chỉ là bề nổi và như một giọt nước làm tràn ly ảnh hưởng đến giá dầu khi mà các yếu tố cơ bản hỗ trợ giá dầu giờ đây đã không còn nữa, giá dầu thô sụp đổ là một tất yếu.

Nhu cầu về dầu thô đã, đang và sẽ sụt giảm nghiêm trọng trong thời gian tới do nền kinh tế toàn cầu đang trên bờ vực suy thoái mà chỉ báo rõ ràng nhất là nội tại yếu kém của các nền kinh tế lớn và tác động khó lường của dịch Covid-19.

Cung dồi dào, cầu thu hẹp, chẳng còn lý do gì để có thể mong đợi giá dầu hồi phục trong thời gian tới, ít nhất là đến hết quý I/2020.

Bài viết của chính tác giả trên WikiFX

Xem thêm: Tìm vàng trong đống đổ nát của cuộc khủng hoảng tài chính 2020

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *