Tìm vàng trong đống đổ nát của cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2020
Không còn nghi ngờ gì nữa, thế giới sẽ lâm vào khủng hoảng tài chính 2020 vì đại dịch mang tên Covid-19. Khủng hoảng lần này tác động hầu như đến tất cả mọi người trong hầu hết các lĩnh vực: Du lịch, hàng không, vận tải, bán lẻ, sản xuất, khai thác…
Tệ hại hơn theo các chuyên gia, khi so sánh cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 với cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 đang và sắp gây ra thì lần này tình hình xấu hơn nhiều bởi trong khủng hoảng tài chính lần trước, vận tải hàng không bị ngưng, biên giới không bị đóng và đặc biệt là cuộc sống của thế giới không có lệnh phong toả và cách ly.
Khủng hoảng lần này có thể đánh giá là có quy mô lớn và toàn diện, không phải là những biến động siêu tốc giống như thuật ngữ “thiên nga đen” (dùng để chỉ một sự kiện ít khi xảy ra và rất khó dự đoán), có thể nó không có sức tàn phá ghê gớm như đại suy thoái 1929 – 1933, nhưng tương đối giống với cuộc khủng hoảng 1987, bong bóng Dotcom 2000 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008.
[Các cuộc khủng hoảng đã từng diễn ra trong quá khứ]
Điều đó có nghĩa là nền kinh tế toàn cầu cần thời gian để phục hồi, còn nhớ rằng đại suy thoái 1929 – 1933, hoặc giai đoạn bong bóng Dotcom 2000 chứng khoán Mỹ cần đến vài năm để phục hồi lại mức giá cũ. Như vậy nhà đầu tư cần phải học cách “sống chung với lũ” nếu tình hình dịch bệnh không sớm được kiểm soát.
Tuy nhiên, mọi thứ không hoàn toàn đều là màu xám, giữa đống hoang tàn của một thị trường đẫm máu cũng là cơ hội để các nhà đầu tư nhạy bén tích lũy các cổ phiếu cơ bản tốt thuộc các lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và những ngành nghề phần nào được hưởng lợi từ giá dầu giảm. Vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ đầu tư vào đâu trong cuộc khủng hoảng lần này?
Tác giả đánh giá các ngành có triển vọng tích cực gồm: Nông nghiệp, viễn thông, giải trí trực tuyến, bán lẻ lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, đồ dùng chăm sóc cá nhân, trang thiết bị chăm sóc sức khỏe, dịch vụ vệ sinh và lau dọn, dịch vụ giao nhận hàng hóa trực tuyến; phân bón và điện.
Ngành sản xuất, bán lẻ lương thực thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu
Các bài học trong quá khứ luôn có một giá trị nhất định để chúng ta tham khảo, hãy xem xét cuộc khủng hoảng gần đây nhất vào năm 2008. Chỉ số Dow Jones khi đó giảm 34,6% so với cùng kỳ năm 2007, chỉ số S&P 500 giảm 39,3% giá trị, chỉ số Nasdaq hạ 41,5%.
Giá trị vốn hóa toàn thị trường chứng khoán (cổ phiếu) Mỹ mất khoảng 7.500 tỷ USD. Xét riêng 30 cổ phiếu blue-chip trong chỉ số Dow Jones, 28/30 cổ phiếu đều giảm mạnh, vốn hóa thị trường của 30 cổ phiếu trong chỉ số này đã sụt giảm hơn 1.000 tỷ USD.
Chỉ có hai mã chứng khoán của Tập đoàn McDonalds (NYSE-MCD) và Wal Mart Stores (WMT) là có sự tăng trưởng là hệ thống các siêu thị và cửa hàng thức ăn nhanh. Vì sao có sự khác biệt này?
[Mức độ biến động của các cổ phiếu trong DJ30 trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008]
Trong kinh tế học, khi thu nhập của dân chúng cao hơn, mọi người sẽ giảm chi tiêu các mặt hàng thấp cấp như thực phẩm, nhưng khi thu nhập của dân chúng thấp hơn, thực phẩm thiết yếu luôn là mặt hàng được ưu tiên hàng đầu.
Dịch COVID-19 chắc chắn ảnh hưởng đến thu nhập của các cá nhân và hộ gia đình Âu – Mỹ khi họ phải cách ly tại nhà hoặc mất việc làm. Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ tăng tỷ lệ thất nghiệp cao nhất gần đây và số người mất việc có thể lên tới hàng triệu người mỗi tuần, các doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ, ở mức 3,5% trong tháng 2, có thể leo lên 20% nếu không có các chính sách can thiệp.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị một gói kích thích quy mô 1.000 tỷ USD vượt xa gói 787 tỷ USD năm 2009 và đang chờ Quốc hội phê duyệt, trong đó 500 – 550 tỷ USD dùng để giảm thuế và hỗ trợ trực tiếp cho người dân, chủ yếu là tầng lớp có mức thu nhập thấp và mất việc làm.
Nếu gói trợ cấp có tác dụng, người dân nghèo sẽ ưu tiên dự trữ lương thực, thực phẩm và hàng thiết yếu với số tiền ít ỏi nhận được. Hãy nhìn vào quá khứ bạn sẽ biết nên làm gì.
Văn hóa của người dân phương Tây có lẽ không sợ dịch bệnh bằng “chết đói”. Đó là vì các sản phẩm nông nghiệp trong nước chưa chắc đã cung cấp đủ để họ có thể tiêu dùng. Đa số các nước phát triển đều phải nhập khẩu lương thực thực phẩm bên ngoài lãnh thổ, từ các nước đang phát triển của khu vực Châu Á hoặc Châu Phi, và mọi người dân Âu – Mỹ đều có thể nhận thức điều đó.
Sẽ không lạ nếu bạn bắt gặp tại một sự kiện có đông người tham gia giữa bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành ở Châu Âu hoặc Mỹ, thế nhưng bạn hãy nhìn vào các siêu thị và cửa hàng bán lẻ của họ, hàng hóa trên kệ luôn trong tình trạng thiếu thốn.
Cơn lốc giấy vệ sinh ở Âu – Mỹ và khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn ở Châu Á minh chứng cho sự lên ngôi của các mặt hàng thiết yếu mà cụ thể ở đây là các trang thiết bị chăm sóc sức khỏe cá nhân. Trong bối cảnh dịch bệnh mọi người đều cố gắng tăng cường sức đề kháng của cá nhân nhiều hơn với nhiều biện pháp, trong khủng hoảng giá và nhu cầu của các mặt hàng này không hề giảm mà thậm chí còn tăng lên gấp nhiều lần.
Các công ty nông nghiệp lớn cũng có thể là lựa chọn hợp lý để bạn có thể đưa vào danh mục của mình như Bayer AG, BASF của Đức, DowDuPont, Archer Daniels Midland Company của Mỹ…
Thương mại điện tử – dịch vụ giao nhận hàng trực tuyến
Dịch Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) được cho rằng chính là yếu tố đã “sinh ra” Taobao và JD.com, dịch bệnh COVID-19 tương đối giống với SARS và đó là cơ sở để tin rằng các công ty thương mại điện tử như Amazon, Alibaba, Ebay và những công ty giao nhận như GrubHub (GRUB), Delivery Hero SE sẽ có sự tăng trưởng trong đợt dịch lần này.
Bắt đầu kể từ khi có dịch, tôi nhận thấy người nội trợ chính trong gia đình là vợ tôi rất hiếm khi đi siêu thị, thay vào đó cô ấy chuyển sang đặt hàng trực tuyến trên các trang thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee… như một lựa chọn thay thế. Ngoại trừ các loại thực phẩm tươi sống cô ấy phải mua ở hệ thống chợ, cửa hàng tiện lợi gần nhà thì mọi thứ khác hầu hết được đặt mua trực tuyến.
Ngành dịch vụ giao nhận trực tuyến hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh bất kể ở thị trường lớn hay nhỏ, còn Thương mại điện tử có thể phát triển mạnh ở những quốc gia mà trước đây chưa có sự phổ biến của loại hình này, nhưng có thể ở những quốc gia mà người dân đã quá quen thuộc với thương mại điện tử và xem đó như phương thức mua sắm chủ yếu, nó có thể cũng suy giảm theo đà suy giảm trong thu nhập và nhu cầu của người dân.
Ngành viễn thông – dịch vụ giải trí trực tuyến
Trong thời đại internet, với bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành và bạn phải cách ly tại nhà, bạn sẽ làm gì?
Nếu bạn có công việc để làm, bạn phải làm việc tại nhà và tổ chức hội thảo từ xa, số còn lại có thể là suốt ngày chơi game hoặc xem phim, nghe nhạc để xua tan buồn chán, để thực hiện được điều đó bạn cần phải có máy tính hoặc điện thoại kết nối mạng. Sẽ không ai mua sắm điện thoại hoặc máy tính xịn hơn để lướt web trong khủng hoảng, nhưng việc sử dụng chiếc điện thoại/máy tính cá nhân thường xuyên hơn là điều chắc chắn.
Đó là lý do vì sao bạn nên nghĩ đến việc đầu tư vào các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông, phát triển game, hoặc cung cấp các ứng dụng giúp mọi người có thể làm việc tại nhà như Fiverr hoặc tổ chức hội thảo từ xa kiểu như Zoom trong giai đoạn đầy khó khăn này.
Những công ty trong ngành viễn thông – giải trí trực tuyến nổi bật có thể kể đến như AT&T, Verizon, NetFlix, Tencent…
Ngành điện
Bạn sẽ sống trong bóng tối lúc ở nhà? Dĩ nhiên là không, mọi người sẽ tiêu dùng điện nhiều hơn nhưng đó vẫn không phải là lý do chính, bởi vì tiêu dùng điện của cá nhân có thể không đủ để bù đắp mức tổn thất điện năng của các doanh nghiệp lớn đang phải ngừng hoạt động.
Yếu tố giúp ngành điện trở nên sáng sủa trong khủng hoảng là vì chi phí xăng dầu hiện tại đang trở nên thấp hơn rất nhiều và đang dao động trong vùng giá 20 – 30 USD, chỉ bằng một nửa so với bình quân giá năm 2019.
Xăng dầu là nguyên liệu chính yếu cấu thành nên giá điện, giá điện giữ nguyên trong khi chi phí sản xuất thấp giúp lợi nhuận được cải thiện đáng kể. Những đại gia trong ngành điện mà nhà đầu tư có thể xem xét như EDF của Pháp, ENEL Power Company của Italia, E.ON của Đức, DUKE Energy, Exelon Corp, Next Extra Energy của Mỹ.
Kết luận
Mỗi khi thị trường có dấu hiệu đi xuống hay khủng hoảng, những người bi quan thường nghĩ rằng thị trường chứng khoán sẽ không bao giờ hồi phục lại được. Thực tế lịch sử cho thấy thị trường luôn hoạt động và tăng trưởng trở lại sau mỗi đợt giá xuống. Thời kỳ đại khủng hoảng 1929 – 1933, đợt suy thoái những năm 1980, cuộc khủng hoảng cổ phiếu công nghệ năm 2000 và cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn 2008 … là những minh chứng rõ ràng nhất.
Đa số các nhà đầu tư không có được cơ hội hồi phục từ thua lỗ vì họ thường hoảng loạn và bán hết chứng khoán khi thị trường sụp đổ. Đúng là cổ phiếu không tăng trở lại chỉ sau một đêm nhưng qua một khoảng thời gian đủ dài, thị trường thường hồi phục và chinh phục những đỉnh cao mới. Hãy ghi nhớ câu nói huyền thoại trong ngành tài chính “Lịch sử luôn lặp lại”.
Bài viết của cùng tác giả đã được đăng trên WikiFX
Chinh phục S&P500 với chiến thuật giao dịch sử dụng chỉ báo MACD
Phân tích thị trường chứng khoán Mỹ | #5. Vì sao giá dầu âm? Vàng đen rẻ hơn nước lã???
Phân tích thị trường Chứng khoán Mỹ – #4.Tâm điểm tuần 20-24/4/2020 – Mỹ mở cửa trở lại?
Phân tích thị trường chứng khoán Mỹ- #3. Nên đầu tư cổ phiếu nào trong đại dịch Covid-19?