Thương chiến Mỹ – EU manh nha xuất hiện – Traders nên làm gì?

Dấu hiệu căng thẳng

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 50 khai mạc ngày 21/01 tại thành phố Davos, Thụy Sỹ, với sự tham gia của gần 3.000 đại biểu đến từ 117 quốc gia, trong đó có 53 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ, chủ tịch, giám đốc điều hành của 1.000 công ty đối tác và thành viên.

Ngay tại hang ổ của Liên minh châu Âu (EU) – Davos ở Thụy Sĩ – Trump không hề e sợ đưa ra các lời đe dọa áp thuế đối với xe ô tô nhập khẩu từ châu Âu. Tổng thống Mỹ đe dọa áp thuế nếu EU không nhất trí với một thỏa thuận thương mại song phương đã bị trì hoãn từ lâu. Theo đó, Trump cho rằng châu Âu đã lợi dụng Mỹ trong nhiều năm qua.

Tổng thống Mỹ phàn nàn ở Davos rằng Đức, Nhật Bản và các đối thủ cạnh tranh khác của Hoa Kỳ có một số lợi thế: Họ có lãi suất âm, vì vậy họ không chỉ vay tiền mà còn được trả tiền cho việc đó.

Đồng thời, Trump ca ngợi nền kinh tế Mỹ nhiều lần, khiến những người khác nghĩ rằng chiến dịch trước bầu cử của ông đã bắt đầu, và có vẻ như Trump muốn làm hài lòng các nhà tư bản trong ngành ô tô của Mỹ và thỏa thuận song phương với EU sẽ là một trong những chương trình chính trong chiến dịch tranh cử của Trump.

Theo CNBC, nhiều đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, bài phát biểu mà Tổng thống Donald Trump đưa ra, thực chất hướng tới các cử tri Mỹ tại quê nhà – những người vào tháng 11 tới sẽ quyết định liệu ông có xứng đáng có thêm một nhiệm kỳ thứ hai hay không.

Trong một bài phỏng vấn dành cho kênh truyền hình Mỹ Fox News vào hôm 22/01, ông Donald Trump đã nhắc lại lời đe dọa là sẽ áp thuế quan đến mức 25% trên ô tô nhập khẩu từ châu Âu nếu EU không sớm ký kết một thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ.

Đó có thể là dấu hiệu cho sự bắt đầu của thương chiến Mỹ – EU.

Lợi thế của Mỹ

Tổng thống Trump nói trong bài phát biểu ở Davos: “Nước Mỹ đang phát đạt. Nước Mỹ đang hưng thịnh và đúng như vậy, nước Mỹ đang một lần nữa chiến thắng”, ám chỉ thỏa thuận thương mại mới được ký với Trung Quốc và một thỏa thuận thương mại sắp được ký kết của Mỹ với Mexico và Canada mà ông cho là “của trời cho” đối với nông dân Mỹ.

Ông nói về tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, thị trường chứng khoán tăng điểm và hàng triệu người không phải tiếp tục nhận trợ cấp xã hội.

Những lời nói của Trump thể hiện một điều rằng, ông đang rất mãn nguyện với các thỏa thuận thương mại thời gian qua của Mỹ và nó mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ.

Trump nắm trong tay những “lá bài tủ” và niềm cảm hứng từ thương chiến Mỹ – Trung thời gian qua với lợi thế nghiêng về Mỹ có thể là lý do để ông bắt đầu một cuộc chiến thương mại tương tự với EU.

Nhân sự chiến thắng không thay đổi, đội ngũ các nhà đàm phán mạnh mẽ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer dẫn đầu, luôn trong tư thế sẵn sàng và Tổng thống Mỹ sẵn sàng sử dụng trong thương chiến Mỹ – EU.

Chiến lược dành cho các trader nếu thương chiến Mỹ – EU diễn ra

Ursula von der Leyen vốn là một nhà đàm phán rất khó tính, đó là một “tin xấu” cho Mỹ. Điều đó có thể dự liệu cho một cuộc chiến thương mại có thể sẽ kéo dài và tốn rất nhiều giấy mực.

Rất có thể cuộc khủng hoảng sẽ chỉ dừng lại ở các cuộc đàm phán song phương, nhưng chỉ điều đó thôi cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý chung của thị trường tài chính.

Cả hai bên có thể phải chịu tổn thất trong ngắn hạn, đặc biệt là khu vực đồng tiền chung Châu Âu vốn bị ảnh hưởng bởi Brexit cộng với tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao và áp lực nợ công đè nặng, tăng trưởng có thể tiếp tục ở mức thấp khi xuất khẩu tụt dốc do sự đi xuống của kinh tế toàn cầu trong nạn dịch Corona. Đồng EUR sẽ mất giá nhanh hơn so với USD vốn đang có một nền tảng vĩ mô tốt hỗ trợ.

Nhưng về dài hạn, và nước cờ này của Mỹ có thể đẩy họ lại gần hơn với Trung Quốc và Nga như một sự thay thế.

Kinh tế EU suy yếu đi rất nhiều sau khi cùng với Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga kể từ sau các cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Một cuộc thương chiến với Mỹ có thể thúc đẩy EU và Nga nối các cuộc đàm phán song phương trở lại.

Thương chiến Mỹ – EU (nếu có xảy ra) sẽ tập trung vào ngành sản xuất xe hơi. Nhưng ở thời điểm hiện tại những thị trường tiềm năng nhất là Trung Quốc và các nước mới nổi chứ không phải là Mỹ.

Doanh số bán xe tại Trung Quốc và các nước mới nổi đang tăng trưởng ấn tượng, trong khi đó doanh số xe hơi tại thị trường Mỹ lại ngày càng giảm, chính vì vậy các đòn giáng vào thuế nhập khẩu ô tô của Mỹ có thể khiến các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Châu Âu chuyển sang “bắt tay” với Trung Quốc hoặc các nước mới nổi thay vì Mỹ.

Doanh số bán xe của Trung Quốc từ tháng 12.2018 đến tháng 12.2019

Số lượng xe bán ra ở Mỹ giai đoạn 2010 - 2019

Nên nhớ rằng EU khác với Trung Quốc, họ là đồng minh lâu năm của Mỹ, chính vì vậy mà các quốc gia khác cũng sẽ nhìn Mỹ với ánh mắt e dè hơn, khi mà Mỹ tính toán lợi ích ngay cả đối với những đồng minh lâu năm của mình. Nếu thương chiến xảy ra rất có thể nước Mỹ sẽ bị cô lập.

Vì vậy chiến lược giao dịch trong dài hạn sẽ mang tích tích cực đối với EUR và tiêu cực đối với đồng USD đã mất đi dần các trụ đỡ lớn.

Nước Mỹ có thể vĩ đại trở lại giống như khẩu hiệu tranh cử của Trump, thế nhưng đó là sự vĩ đại trong nỗi cô đơn!

Bài viết của chính tác giả trên WikiFX

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *