Mười nguyên lý của kinh tế học trong đầu tư tài chính – Phần 2
CON NGƯỜI RA QUYẾT ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?
NGUYÊN LÝ 2: CHI PHÍ CỦA MỘT THỨ LÀ CÁI MÀ BẠN PHẢI TỪ BỎ ĐỂ CÓ ĐƯỢC NÓ
Như phần 1 của seri “Áp dụng mười nguyên lý của kinh tế học vào đầu tư tài chính”, chúng ta đã biết rằng con người luôn phải đối mặt với sự đánh đổi, nên quá trình ra quyết định của một cá nhân đòi hỏi phải so sánh lợi ích và chi phí của các lựa chọn khác nhau.
Nhưng thật sự thì chi phí của một số lựa chọn lại không được rõ ràng để chúng ta có thể so sánh.
Chẳng hạn, khi bạn quyết định đi học đại học, ích lợi của nó là làm giàu thêm kiến thức và có thêm những cơ hội việc làm tốt hơn cho cả cuộc đời của bạn.
Nhưng chi phí của nó là gì? Bạn có thể tưởng tượng ra việc cộng số tiền chi tiêu cho học phí, sách vở, nhà ở lại với nhau. Nhưng tất cả những thứ đó vẫn chưa phản ánh những gì bạn phải từ bỏ để theo học tại một trường đại học.
Câu trả lời trên chưa hợp lý vì thật ra nó bao gồm cả những thứ không thật sự là chi phí của việc học đại học. Ngay cả khi không học đại học, bạn vẫn phải cần một chỗ ở và thực phẩm để ăn. Tiền ăn tại trường đại học chỉ trở thành chi phí nếu nó đắt hơn những nơi khác.
Dĩ nhiên tiền ăn ở trường đại học đôi khi còn rẻ hơn chi phí thuê nhà và tiền ăn khi bạn sống ở nơi khác. Trong trường hợp này, các khoản tiết kiệm do ăn ở tại trường đại học lại trở thành lợi ích của việc đi học đại học.
Cách tính toán chi phí như trên có một khiếm khuyết khác là nó bỏ qua khoản chi phí lớn nhất của việc học đại học: đó là thời gian. Khi dành một năm để nghe giảng, đọc giáo trình và viết tiểu luận tại trường đại học, bạn không thể sử dụng khoản thời gian này để làm một công việc nào khác.
Đối với nhiều sinh viên, khoản tiền lương phải từ bỏ để đi học đại học là khoản chi phí lớn nhất cho việc học đại học của họ.
Chi phí cơ hội của một thứ là cái mà bạn phải từ bỏ để có được nó. Khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, người ra quyết định phải nhận thức được chi phí cơ hội có thể gắn liền với mỗi hành động có thể thực hiện.
Trong thực tế loại chi phí này xuất hiện ở khắp nơi. Giả sử bạn là một người đá bóng giỏi (chẳng hạn Công Phượng), thì bạn sẽ lựa chọn sẽ chơi bóng đá và nhận tiền lương hay việc đi học đại học và ngồi trên giảng đường? Chi phí cơ hội của việc ngồi trên giảng đường quả thật rất cao.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi họ cho rằng chi phí của việc học đại học là quá cao so với lợi ích nhận được (và do đó Công Phượng đã chọn đá bóng).
Chúng ta đã biết rằng thời gian và tiền bạc, sức khỏe của chúng ta là có hạn, vậy làm thế nào chúng ta có thể làm điều tốt nhất cho cuộc đời?
Câu trả lời là chúng ta nên làm những điều mà chi phí cơ hội của chúng ta là nhỏ nhất. Điều đó sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho bạn.
Làm thế nào để phát hiện ra điều đó?
Bạn thử làm phép toán. Giả sử bạn bỏ thời gian để đầu tư vào một doanh nghiệp của riêng mình, bạn đang có 100 triệu đồng, nhưng chi phí phí thành lập doanh nghiệp là 300 triệu đồng, bạn phải vay ngân hàng 200 triệu đồng và trả lãi 10%/năm.
Vậy chi phí cơ hội bạn mất đi là gì? Đầu tiên đó là lãi suất bạn phải trả cho ngân hàng (chi phí theo ghi nhận kế toán) là 20 triệu đồng/năm. Đây là chi phí hiện
Thứ chi phí kế đến là số tiền lãi mà bạn mất đi do dùng số tiền của mình đầu tư vào doanh nghiệp. Giả sử bạn không thành lập doanh nghiệp của mình thì bạn đã có thể gửi ngân hàng với lãi suất 7%/năm, do đó bạn mất 7 triệu đồng chi phí. Thêm nữa, khi bạn khởi nghiệp bạn phải từ bỏ việc làm trước đây của mình với mức lương 50 triệu đồng 1 năm. Do đó bạn phải từ bỏ 57 triệu đồng. Đây là chi phí ẩn
Tổng 2 khoản chi phí này chính là chi phí cơ hội của việc đầu tư vào doanh nghiệp và bằng 27 triệu đồng. Do đó bạn cần nhìn nhận lợi nhuận kinh tế khác với lợi nhuận kế toán.
Chúng ta đơn giản hóa mọi thứ và chỉ xem doanh nghiệp chỉ bao gồm 2 loại chi phí này. Giả sử năm đó, doanh nghiệp của bạn có doanh thu 70 triệu đồng và chi phí kế toán là 20 triệu đồng, theo bản cân đối kế toán thì bạn có lãi 50 triệu đồng.
Tuy nhiên nếu tính lợi nhuận kinh tế thì bạn phải trừ thêm 57 triệu đồng chi phí ẩn nữa. Do đó bây giờ bạn lỗ mất 7 triệu đồng.
Do đó bạn nên bỏ tiền ngân hàng và làm công việc cũ vì lợi ích mà khởi nghiệp mang lại không đáng giá so với bạn làm công việc cũ.
Mình sẽ cho bạn một vài ví dụ cụ thể nữa.
Ví dụ Donal Trumph là một tài phiệt về kinh doanh bất động sản. Ông ta có thể kiếm 1 tỷ USD 1 năm nếu chỉ dành thời gian để đầu tư bất động sản. Không những thế ông ấy còn rất giỏi đầu tư chứng khoán. Ông ta có thể kiếm được 100 triệu USD nếu dành thời gian chơi chứng khoán.
Trong khi bạn đầu tư bất động sản chỉ được 100.000 USD 1 năm và nếu đầu tư chứng khoán bạn kiếm được 200.000 USD.
Bạn nghĩ Donal Trumph sẽ đầu tư chứng khoán hay kinh doanh bất động sản? Còn bạn? Bạn sẽ chọn chứng khoán hay bất động sản. Mình nghĩ các bạn có thể dễ dàng tìm ra phương án cho mình.
Donal Trumph mặc dù giỏi hơn bạn rất nhiều trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán nhưng ông ta chọn bất động sản vì nếu chọn đầu tư chứng khoán ông ta đã mất 900 triệu USD, do đó ông ta có lợi thế về kinh doanh bất động sản khi đặt 2 công việc đó cạnh nhau.
Còn bạn, nếu đầu tư chứng khoán là giỏi nhất trong tất cả các việc bạn trải qua (nhưng bạn còn thua xa so với Trumph), thì dành thời gian cho đầu tư chứng khoán là điều đáng giá. Vì nếu bạn chọn kinh doanh bất động sản thì bạn đã mất đi 100.000 USD.
NGUYÊN LÝ 3: CON NGƯỜI DUY LÝ SUY NGHĨ TẠI ĐIỂM CẬN BIÊN
Để hiểu được nguyên lý thứ 3 của việc con người ra quyết định như thế nào điều đầu tiên bạn cần phải biết đó là 2 từ “duy lý” và “cận biên”
Duy lý: suy luận có ý nghĩa nhất, tốt nhất.
Cận biên: lân cận
Do đó ý nghĩa của nguyên lý này là mọi người đưa ra được quyết định tối ưu nhờ suy nghĩ tại điểm cận biên.
Chẳng hạn trong một bữa ăn, vấn đề bạn phải đối mặt không phải là ăn nhiều hay ăn ít mà là có nên ăn thêm một chút thịt nướng không?
Khi bạn là sinh viên, khi kỳ thi sắp đến vấn đề bạn đối mặt không phải là bỏ mặc bài vở hay học 24 giờ một ngày mà là có nên học thêm một giờ nữa không hay dành thời gian cho giải trí.
Trong kinh tế thuật ngữ những thay đổi cận biên dùng để chỉ những điều chỉnh nhỏ và tăng dần trong kế hoạch hành động hiện có.
Để hiểu tường tận vấn đề chúng ta xem một ví dụ khác.
Một hãng du lịch lữ hành đang cân nhắc việc tính giá bao nhiêu cho các hành khách dự phòng. Giả sử một chuyến đi từ Sài Gòn đến Nha Trang với 50 chỗ mất chi phí là 10 triệu đồng.
Trong tình huống này, chi phí bình quân cho mỗi chỗ ngồi là 10 triệu đồng/ 50 người = 200 nghìn đồng.
Bạn có thể đi đến kết luận rằng hãng du lịch này sẽ không bao giờ bán với giá vé thấp hơn 200 nghìn đồng.
Song trên thực tế hãng du lịch có thể gia tăng lợi nhuận nhờ suy nghĩ tại điểm cận biên.
Chúng ta hãy suy nghĩ rằng xe du lịch đang chuẩn bị lăn bánh trong khi vẫn còn 10 ghế bỏ trống và có năm hành khách đang chờ ở sảnh sẵn sàng trả 150 nghìn đồng cho mỗi ghế.
Hãng du lịch này có đồng ý bán vé cho năm người này không? Dĩ nhiên là có. Nếu xe vẫn còn ghế trống, chi phí của việc bổ sung thêm hành khách là không đáng kể.
Mặc dù chi phí bình quân của chuyến xe là 200 nghìn đồng, tuy nhiên chi phí cận biên của một hành khách lúc này chỉ bằng một chai nước suối bạn phân phát cho hành khách đó.
Một khi người hành khách “cận biên” này còn trả giá cao hơn chi phí cận biên “chai nước” thì việc bán vé cho anh ta vẫn còn có lợi.
Hãy tự mình trả lời một vài ví dụ thú vị khác.
Bạn đang mở một khóa học, số học viên bạn quy định là 50 người, chi phí bình quân của khóa học là 2 triệu đồng/người, nhưng đến thời gian chốt danh sách số người đăng ký chỉ là 40, có 10 người đang mong muốn đăng ký học lúc đó với giá 1,5 triệu đồng. Bạn nên làm gì?
Công ty mà bạn đang quản lý đầu tư 500 triệu đồng để triển khai một sản phẩm mới, nhưng quá trình triển khai này còn 20 ngày nữa mới hoàn tất.
Trong cuộc họp mới nhất, nhân viên bán hàng báo cáo với bạn rằng việc xuất hiện các sản phẩm cạnh tranh làm giảm doanh số bán dự kiến sản phẩm mới xuống còn 300 triệu đồng.
Nếu chi phí cần thiết kể từ bây giờ cho đến khi hoàn tất quá trình triển khai sản phẩm là 100 triệu đồng, bạn có nên tiếp tục triển khai sản phẩm nữa không?
Mức chi phí cao nhất mà bạn nên trả để hoàn tất quá trình triển khai sản phẩm là bao nhiêu?
Và đây là ví dụ cuối cùng
Bạn là một chủ doanh nghiệp chuyên sản xuất thực phẩm chức năng. Bạn triệu tập 1 cuộc họp để bàn về khả năng tăng mức sản xuất. Có 3 ý kiến khác nhau như sau:
Giám đốc sản xuất: Chúng ta nên kiểm tra xem năng suất của công ty chúng ta (tức số thùng thuốc sản xuất được trên mỗi công nhân) tăng hay giảm?
Giám đốc kinh doanh: Chúng ta nên kiểm tra xem chi phí bình quân của chúng ta (chi phí trên mỗi công nhân) tăng hay giảm?
Giám đốc tài chính: Chúng ta nên kiểm tra xem doanh thu tăng thêm từ việc bán thêm mỗi đơn vị thuốc uống lớn hơn hay nhỏ hơn mức chi phí tăng thêm?
Bạn sẽ dựa vào ý kiến của vị giám đốc nào?
NGUYÊN LÝ 4: CON NGƯỜI PHẢN ỨNG VỚI CÁC KÍCH THÍCH
Vì mọi người ra quyết định dựa trên việc đánh giá lợi ích và chi phí nên hành vi của họ có thể thay đổi khi ích lợi hoặc chi phí thay đổi nghĩa là mọi người phản ứng với các kích thích. Vậy khi có các kích thích (thông tin mới) thì con người ra quyết định như thế nào?
Ví dụ khi giá táo tăng, mọi người quyết định ăn lê nhiều hơn và ăn táo ít hơn vì chi phí của việc mua táo cao hơn.
Người trồng táo quyết định thuê thêm công nhân và thu hoạch nhiều táo hơn vì lợi nhuận thu được từ việc bán táo cũng cao hơn.
Tương tự như vậy, khi các nhà lập pháp ra một văn bản pháp luật có liên quan trên thị trường tài chính, thì mọi người sẽ phản ứng với các kích thích đó do các chính sách làm thay đổi chi phí hoặc ích lợi mà mọi người phải đối mặt bởi vậy làm thay đổi hành vi của họ.
Ví dụ giá xăng thấp khiến mọi người mua ô tô nhiều hơn, chạy xe máy phân khối lớn hơn và sử dụng phương tiện riêng cho các hoạt động của họ.
Giả sử giá xăng tăng gấp đôi, khi đó mọi người có thể phản ứng bằng cách sử dụng các loại ô tô nhỏ hơn để tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng nhiều các loại phương tiện công cộng hoặc đi làm cùng với nhau. Họ cũng sẽ thuê nhà ở gần chỗ làm việc hơn.
Các văn bản pháp luật ảnh hưởng rất nhanh và mạnh trên thị trường FX và chứng khoán, thị trường bất động sản có dấu hiệu chậm hơn.
Ví dụ mới đây nhất là áp dụng thông tư 36 trong việc quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chao đảo trong một khoảng thời gian.
Thoạt nhìn, văn bản này có vẻ như mang lại sự an toàn hơn cho các tổ chức tín dụng, do đó kích thích mọi người tham gia thị trường tài chính. Tuy nhiên, thị trường lại phản ứng ngược.
Lý do chủ yếu là vì các công ty chứng khoán sử dụng margin (đòn bẩy) cao. Số tiền tồn tại trên thị trường hàng ngày chủ yếu là của các công ty chứng khoán cho nhà đầu tư vay mượn.
Thông tin siết chặt tỷ lệ cho vay để đầu tư chứng khoán khiến các công ty chứng khoán đang sử dụng đòn bẩy phải giải quyết 1 phần chứng khoán đang nắm giữ và hạn chế cho vay margin khiến số tiền giao dịch hàng ngày giảm sút.
Nhà đầu tư phản ứng bằng cách bán ra ồ ạt khiến thị trường chứng khoán giảm sâu trong một thời gian khá dài.
Một chính sách khác tác động đến thị trường gần đây là hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.
Hiệp định này tác động mạnh nhất đến các công ty ngành dệt may và thủy sản, được đánh giá là có lợi nhất cho Việt Nam do các rào cản thương mại giảm xuống đáng kể.
Giai đoạn này các cổ phiếu ngành Dệt may và Thủy sản bùng nổ, tạo các đỉnh mới liên tục.
Tuy nhiên việc trì hoãn sau đó và nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, một người ủng hộ hiệp định TPP sắp kết thúc, Donal Trumph có thể là sự thay thế cho Obama cho chiếc ghế Tổng thống Mỹ ở nhiệm kỳ tiếp theo (một người vốn không ủng hộ hiệp định) khiến mọi thứ rơi vào bế tắc.
Thị trường phản ứng rất nhanh, bằng chứng là các cổ phiếu liên quan đến dệt may và thủy sản trước đây lập đỉnh thì bây giờ quay đầu tạo đáy.
Và còn vô số các thông tin khác như nợ của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, câu chuyện bảo hộ thép trong nước, báo cáo tài chính của gỗ Trường Thành, lãnh đạo JVC bị bắt, ngân hàng Nhà nước mua lại OGC, giá xăng dầu giảm… làm giá các cổ phiếu liên quan chao đảo và tác động cực kỳ mạnh mẽ đến tâm lý nhà đầu tư.
Nếu bạn là một nhà đầu tư chứng khoán bạn không thể làm ngơ trước các thông tin, vì chúng khiến cho kỳ vọng của nhà đầu tư thay đổi chóng mặt.
KẾT LUẬN
Xã hội không có gì bí hiểm cả, dù đó là một xã hội trên thị trường chứng khoán, trong kinh doanh, trong một quốc gia hay cả thế giới thì đó cũng chỉ là tương tác của một nhóm người tác động qua lại với nhau trong quá trình sinh tồn của họ.
Dù con người khác nhau về nhiều thứ tuy nhiên họ vẫn thống nhất nhau trong một số ý tưởng cơ bản. Mọi người đều suy nghĩ điều tốt nhất cho mình, đưa ra quyết định phù hợp nhất đối với nguồn lực khan hiếm mình đang có.
Do đó tại sao chúng ta có tâm lý đám đông, đầu tư theo xu hướng và những điều đặc biệt khác. Hiểu được cách thức con người ra quyết định giúp bạn dễ thở hơn khi bước chân vào con đường đầu tư tài chính.
Và điều cuối cùng, đây không phải là suy diễn của một ai đó, đây là nguyên lý trong kinh tế học, là cơ sở khoa học của việc ra quyết định cá nhân.