Mười nguyên lý của kinh tế học trong đầu tư tài chính – Phần 1

88 / 100

Bạn có biết, đầu tư tài chính có những nguyên lý bất di bất dịch? Vậy những nguyên lý áp dụng trong đầu tư tài chính cũng như tác động đến quá trình ra quyết định cá nhân của con người như thế nào?

Hãy cùng vnsmartvision tìm hiểu cách áp dụng mười nguyên lý của kinh tế học vào đầu tư tài chính.

CON NGƯỜI RA QUYẾT ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?

Nền kinh tế không có gì bí hiểm cả. Dù chúng ta nói về nền kinh tế của Thành phố HCM, của Việt Nam hay của toàn thế giới thì nền kinh tế cũng chỉ là một nhóm người tác động qua lại với nhau trong quá trình sinh tồn của họ.

Bởi vì hoạt động của nền kinh tế phản ánh hành vi của các cá nhân tạo thành nền kinh tế, nên chúng ta khởi đầu cuộc hành trình của mình bằng cách trình bày bốn nguyên lý chi phối quá trình ra quyết định cá nhân.

Qua seri này mình sẽ trình bày quá trình con người ra quyết định. Đây là yếu tố then chốt trong các quyết định không chỉ trên thị trường tài chính mà cả trong đời sống của mỗi người.

QUYET DINH TAI CHINH

 

Sau khi nghiên cứu hết seri này bạn sẽ dễ dàng đoán được mọi người trên thị trường tài chính quyết định ra sao. Hiểu được quyết định của người khác giúp bạn quyết định sáng suốt hơn.

CON NGƯỜI PHẢI ĐỐI MẶT VỚI SỰ ĐÁNH ĐỔI

Bài học đầu tiên về quá trình ra quyết định được tóm tắt trong câu thành ngữ: “Mọi thứ đều có cái giá của nó”. Để có được một thứ ưa thích, chúng ta thường phải từ bỏ một thứ khác mà mình thích.

Quá trình ra quyết định đòi hỏi phải đánh đổi mục tiêu này để đạt được một mục tiêu khác.

DANH DOI

 

Chúng ta hãy xem xét tình huống một người phân bổ nguồn lực quý báu nhất của mình đó là thời gian.

Bạn có thể dùng toàn bộ thời gian để nghiên cứu và làm MMO (kiếm tiền trên mạng), bạn cũng có thể xin một công việc và đi làm công để nhận tiền lương hàng tháng hoặc phân chia thời gian giữa 2 công việc đó.

Để có một giờ làm việc này, bạn phải từ bỏ một giờ làm việc kia và ngược lại, hoặc bản phải từ bỏ một giờ đi chơi, xem tivi hoặc đi làm thêm.

Hoặc chúng ta có thể xem xét cách thức phân bổ chi tiêu thu nhập hàng tháng của bạn. Bạn có thể mua thực phẩm, quần áo, hay quyết định đi du lịch.

Bạn có thể tiết kiệm một phần thu nhập cho lúc về già hay cho con cái vào học đại học. Khi bạn quyết định chi tiêu một triệu đồng cho việc này, nghĩa là bạn mất đi một triệu đồng để chi tiêu cho các hàng hóa khác.

Khi mọi người tập hợp lại nhau thành một xã hội, họ phải đối mặt với nhiều loại đánh đổi. Chẳng hạn đánh đổi của đất nước để chi tiêu cho quốc phòng hoặc an sinh xã hội.

Khi chi tiêu cho quốc phòng càng nhiều để tăng khả năng phòng thủ của đất nước, đồng nghĩa với chúng ta phải hy sinh nhiều phúc lợi xã hội để nâng cao đời sống người dân.

Một ví dụ kinh điển khác hiện nay ở Việt Nam là sự đánh đổi giữa môi trường trong sạch và mức tăng GDP của đất nước.

Người dân và luật pháp đòi hỏi các doanh nghiệp phải cắt giảm lượng ô nhiễm và xử lý nước thải ra môi trường đẩy chi phí sản xuất sản phẩm lên cao.

Do chi phí cao hơn, cuối cùng doanh nghiệp kiếm được ít lợi nhuận hơn, trả lương công nhân thấp hơn, định giá bán sản phẩm cao hơn hoặc tạo ra một kết hợp nào đó của cả ba yếu tố này.

Như vậy, mặc dù các quy định về môi trường đem lại lợi ích cho người dân ở chỗ làm cho môi trường trong sạch hơn và nhờ đó sức khỏe chúng ta tốt hơn, nhưng chúng ta phải chấp nhận tổn thất là thu nhập của chủ doanh nghiệp, công nhân hoặc người tiêu dùng giảm.

Một sự đánh đổi khác mà xã hội phải đối mặt là sự đánh đổi giữa công bằng và hiệu quả.

Khi chính phủ đánh thuế vào người giàu và người có thu nhập cao (thuế thu nhập cá nhân) rồi dùng số tiền này để phân phối phúc lợi xã hội hoặc bảo hiểm thất nghiệp, tìm cách trợ giúp những thành viên của xã hội cần đến sự cứu tế nhiều nhất.

Điều này làm giảm phần thưởng trả cho sự cần cù, chăm chỉ, sáng tạo, kết quả là mọi người làm việc ít hơn và giảm ước mong làm giàu của mọi người trong nền kinh tế.

Nói cách khác, khi chính phủ cố gắng cắt chiếc bánh thành những phần đều nhau thì chiếc bánh nhỏ lại.

Cần ý thức rằng, chỉ riêng việc con người phải đối mặt với sự đánh đổi không cho chúng ta biết họ sẽ hoặc cần phải ra những quyết định nào.

Bạn không cần từ bỏ làm MMO để đi làm công ăn lương toàn thời gian.

Xã hội không cần phải từ bỏ hoàn toàn việc chi tiêu cho quốc phòng vì nó làm giảm phúc lợi xã hội.

Mọi người không nên ngừng bảo vệ môi trường chỉ vì các quy định về môi trường làm giảm mức sống vật chất của chúng ta.

Người nghèo không thể bị làm ngơ vì việc giúp đỡ họ làm biến dạng các động cơ làm việc.

Nhưng dù sao đi nữa, việc nhận thức những sự đánh đổi trong cuộc sống có ý nghĩa quan trọng, bởi vì con người chỉ có thể ra quyết định đúng đắn khi họ hiểu rõ những phương án mà họ có thể lựa chọn.

ÁP DỤNG NGUYÊN LÝ 1 ” CON NGƯỜI PHẢI ĐỐI MẶT VỚI SỰ ĐÁNH ĐỔI” VÀO ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Khi bạn quyết định chọn cho mình con đường đi đến sự tự do tài chính, bạn phải đối mặt với nhiều sự đánh đổi.

Thường thì mình nghe thấy nhiều người đặt ưu tiên cao nhất cho sự ổn định và an toàn, nghĩa là có 1 công việc, kiếm tiền và có cuộc sống ổn định.

Mỉa mai thay, họ đã tiêu tốn phần lớn thời gian trong đời để đi vào sự rủi ro. Những hóa đơn ngày càng lớn làm cho tất cả bọn họ chưa bao giờ được sống với đam mê, sự thoải mái và an toàn tài chính.

Nhân nguyên lý này, mình cũng sẽ giải thích thêm con đường bạn lựa chọn. Vì sao bài đầu tiên trong blog này là con đường dẫn đến sự tự do tài chính?

Đó là mục đích của bạn “sự tự do tài chính” nhưng nếu bạn đọc kỹ bài viết đó bạn có thể nhận ra có nhiều ngã rẻ để bạn đi đến điều đó.

Nếu bạn chọn mình sẽ trở thành một nhà đầu tư (nhóm D), bạn có thể dành ít thời gian hơn cho việc thành lập doanh nghiệp (nhóm C) và ngược lại, bạn có thể phân chia thời gian hợp lý ở cả 2 nhóm hoặc bạn chỉ dành thời gian cho 1 nhóm. Đó là quyết định của bạn.

Tương tự như vậy khi bạn chọn đầu tư, bạn sẽ quyết định xem bạn sẽ trở thành nhà đầu tư lão luyện trong lĩnh vực nào? Chứng khoán? FX hay bất động sản?

Giả sử bạn chọn chứng khoán, bạn sẽ phải chọn bạn đầu tư theo phương pháp nào? Ngắn hay dài hạn? Giá trị hay kỹ thuật?

Và rồi, bạn lại đối mặt với sự đánh đổi giữa các công thức bạn sử dụng, có rất nhiều cách chơi nhưng bạn phải chọn 1 cách phù hợp với tính cách, thái độ và bạn nghĩ là hợp với bạn nhất.

Rồi bạn sẽ chọn cho mình một rổ cổ phiếu? Trái phiếu? Nếu bạn đã mua GAS bạn không còn tiền để có thể mua VNM hay MWG đúng không? Vì ngân sách của bạn là có hạn.

Ngay cả việc nắm giữ tiền hay cổ phiếu cũng là một sự đánh đổi. Nó đều đánh đổi bằng tiền bạc của bạn, thứ mà bạn đang tìm kiếm và tích lũy nó.

Do đó, khi bạn chọn 1 con đường cho mình, thứ bạn cần nhất là nâng cao nền tảng kiến thức về chính lĩnh vực đó.

Chẳng hạn, mục đích của bạn là thành lập và quản lý một doanh nghiệp, thì công việc của bạn là nâng cao kiến thức nền tảng về quản lý doanh nghiệp, quản trị nhân sự, văn bản pháp lý và tất cả những vấn đề cần thiết để quản lý doanh nghiệp hiệu quả.

Bạn chọn con đường đi vào nhóm D (nhóm những nhà đầu tư) thì bạn cần trau dồi cho mình kiến thức về đầu tư, tài sản và tiêu sản, cách thức quản lý và sử dụng vốn, cách đọc một bảng báo cáo tài chính…

Vì vậy, đầu tư cho giáo dục tài chính, nâng cao IQ tài chính, ngôn ngữ tài chính, kiến thức tài chính – đầu tư chưa bao giờ là thừa thãi.

CHI PHI CO HOI

 

Có một câu chuyện về một người thầy, trong ngày tổng kết lớp học, người thầy mang một cái lọ thủy tinh lớn đặt lên bàn, không nói lời nào, ông dùng những hòn sỏi thả vào cái lọ.

Người thầy thả những viên sỏi cho đến khi chúng lấp đầy chiếc lọ, ông mới hỏi những sinh viên của mình là chiếc lọ đã đầy chưa?

Đám sinh viên lúng túng, nhưng sau đó đồng loạt trả lời: “Dạ đầy rồi”.

Lúc bấy giờ ông mới lấy từ dưới bàn ra một túi cát và đổ cát lên trên sỏi trong chiếc lọ. Đám sinh viên phát hiện ra mình đã bị lừa.

Người thầy giáo tiếp tục đổ cát vào đến khi cát dâng lên đến miệng lọ, lấp vào khoảng trống của những hòn sỏi. Ông lại tiếp tục hỏi đám sinh viên “Chiếc lọ đã đầy chưa?”

Đám sinh viên đã xem xét rất cẩn thận và trả lời “Đầy rồi thưa thầy!”

Người thầy mỉm cười và lấy trong hộc bàn ra một bình nước. Ông đổ vào trong cái lọ ban đầu. Đám sinh viên biết rằng chúng lại bị lừa một lần nữa.

Đến lúc này người thầy bắt đầu giải thích cho sinh viên về câu chuyện:

Năm học đã kết thúc, nhưng thầy vẫn muốn gửi đến các em một bài học nữa. Chiếc lọ này giống như cuộc đời của các em. Các em có một khoảng thời gian hữu hạn và một số lựa chọn quan trọng nhất. Các em phải chú trọng vào việc phân bổ thời gian của mình.

Nếu như ban đầu thầy đổ đầy nước vào chiếc lọ, thì thầy sẽ chẳng thể nào bỏ những hòn sỏi hay phủ cát vào chiếc lọ này.

Cùng ý nghĩa đó, nếu các em lấp đầy cuộc đời mình bằng những thứ không có ý nghĩa, thì các em không có đủ thời gian cho những việc khác.

Thầy làm được điều này là do thầy đã bỏ những viên sỏi vào chiếc lọ đầu tiên, rồi đến những hạt cát, sau đó mới là nước. Điều đó có nghĩa là nếu các em đặt những điều quan trọng trước, thì các em có thể thêm những điều nhỏ hơn vào khoảng trống còn lại.

Người thầy già trầm ngâm: Khi các em rời khỏi căn phòng này và bắt đầu quảng đời còn lại của mình, dù các em có thể quên tất cả những bài học mà thầy đã dạy, nhưng thầy hi vọng các em sẽ luôn nhớ bài học này.

Hãy xác định điều gì có giá trị nhất và có kế hoạch phân chia thời gian cho phù hợp với những nhận thức đó, rồi mọi thứ khác sẽ đâu vào đấy.

KẾT LUẬN

Thông qua nguyên lý này, mình chỉ có một câu kết luận ngắn gọn để áp dụng vào đầu tư tài chính của mỗi cá nhân: Hãy xác định cho mình một tầm nhìn (vision) mà bạn cho là sẽ đưa bạn đến thành công (theo cách nghĩ của bạn), và thực hiện nó. Rồi, mọi thứ sẽ đâu vào đấy!!!

Tiếp tục đón xem phần tiếp theo của seri “Áp dụng mười nguyên lý của kinh tế học vào đầu tư tài chính” nguyên lý 2, 3, 4 “Con người ra quyết định như thế nào” để hiểu rõ hơn cách thức nhà đầu tư ra quyết định trên thị trường tài chính.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *